“Dù là món đồ trên cổ có theo phong cách nào, một khi đã thắt nút (dù xấu hay đẹp) thì không nên thay đổi gì trong bất kỳ hoàn cảnh nào”
Tôi nghĩ là chúng ta cần làm rõ một điều trước: bạn có thể thắt nơ. Nếu tôi phải nghe thêm câu “không thể” từ một người đàn ông trưởng thành nữa, tôi sẽ tự sát mất. Hãy lý trí một chút nhé. Bạn thắt nút nơ suốt ngày mà: Dây giày, gói hàng, túi rác. Nơ đeo cổ đơn giản chỉ là thắt nơ ở cổ mà thôi. Thậm chí tôi cũng sẽ không hướng dẫn bằng biểu đồ đâu, quá trẻ con. Để mà suy nghĩ kỹ thì cái khó khăn duy nhất với việc thắt nơ là khi chúng ta soi gương để thắt thì hình ảnh bị ngược, vậy thôi.
Hoàn toàn không thể viện cớ. Hãy mua một cái nơ cổ (tôi sẽ nói tới vụ này ngay sau đây), và tập thắt. Tinh thần sprezzatura nằm sẵn trong kỹ thuật thắt nơ. Một chút lỏng lẻo, một sự không đồng đều nhẹ nhàng ở phần rìa, vẻ nghiêng ngả phi đối xứng – đây chính là cái chúng ta muốn. Vẻ thanh lịch rối bời. Sự đối xứng hoàn hảo không phải là mục đích hướng tới ở đây. Để đó cho mấy người bị ám ảnh về tiểu tiết đi.
Nhân tiện đó thì tôi muốn nhắc tới điều này: nhất định đừng mua nơ thắt sẵn. Có sự khác biệt đáng kể giữa nơ tự thắt và thắt sẵn: loại thắt sẵn luôn trông quá hoàn hảo, quá đối xứng, quá cân bằng và không tì vết. Và tôi ghét phải nói thế này, nhưng trong con mắt của những người uyên bác về ăn mặc thì nơ thắt sẵn là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự nghiệp dư.
Bạn cũng không thể bỏ qua nơ cổ được đâu, dù nhiều người đã từng làm vậy. Suốt nửa cuối thế kỷ trước, nơ cổ được coi là dành riêng cho mấy tay giáo sư, biên tập viên và tri thức có xu hướng nổi loạn. Nhưng vào khoảng cuối kỷ nguyên, xuất hiện một số chàng trai thành thị diện nơ họa tiết paisley màu cam sáng, vàng và xanh cổ vịt, hay chấm bi điệu đà hoặc họa tiết kẻ to.
Trông rất mới mẻ, dù rằng đây có vẻ là sự phản ứng dành cho quan điểm ngốc nghếch bấy giờ: đeo cà vạt cùng dinner jacket. Không phải tôi cho rằng mấy người đeo cà vạt cùng dinner jacket nên bị kỳ thị và bàn tán. Chỉ là những kẻ đua đòi theo chuyện phù phiếm đó không hiểu gì cả. Họ làm theo chỉ dẫn của mấy tay thiết kế thời trang vô vị nổi tiếng thế giới. Nơ đeo cổ có câu chuyện riêng của nó.
Đeo nơ buổi tối thể hiện sự tôn trọng truyền thống, nhưng vào ban ngày thì đó là biểu hiện của phong cách dandy cá nhân, đi kèm với một sắc thái tự chủ. Có lẽ đó là lý do tại sao gần đây kiểu ăn mặc này xuất hiện nhiều hơn – thời trang ngày nay mang tính cá nhân rất cao. Làm cách nào để cập nhật liên tục mà không bị xa lạ, hứng thú với cái mới mà vẫn tôn trọng những chuẩn mực cũ, đó là điều những tay chơi đáng mến đều hiểu.
Nếu bạn muốn đeo nơ, cái cần hiểu rõ là kiểu dáng. Vào thế kỷ XIX đàn ông đeo đủ loại phụ kiện cổ – cravat, shoestring, stock tie và cả ascot tie… – nhưng nơ (bow tie) hầu như luôn được ưa chuộng nhất cho tới những năm 1880s, khi phụ kiện cổ dài hơn (cà vạt ngày nay) bắt đầu phổ biến. Kể từ đó kiểu dáng nơ đeo cổ chủ yếu được phân chia thành hai loại, đều rất phù hợp.
Nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực sự không hề. Kiểu bướm (đôi khi được gọi là “thistle”) có phần lá xòe rộng gợi nhớ hình dạng cánh bướm. Kiểu này có thể có phần đuôi thẳng hoặc hình kim cương. Kiểu cánh dơi (đôi khi được gọi là “club”) có phần lá thẳng và đuôi vuông.
Hai loại kiểu dáng cổ điển không khác biệt lắm về sự trang trọng, nhưng có thể được sử dụng để tạo dấu ấn cá nhân. Và luôn nên tạo ấn tượng về sự chú ý tới tiểu tiết của bản thân. Thời gian gần đây thì nơ cánh dơi nhỏ sáng màu, thắt nhẹ nhàng để tạo cảm giác “hờ hững, không cố ý” đang khá mốt. Từ đó ta được một hình ảnh đối ngược với sự nặng nề, bảo thủ vốn từng gắn liền với nơ đeo cổ.
Ngày nay sự kết hợp hấp dẫn giữa vẻ phóng túng, thông thái cổ điển cùng một chút tinh nghịch sẽ là nổi bật nhất. “Sắc sảo” là từ miêu tả thích hợp.
Về chất liệu, phụ kiện cổ có thể được may bằng đủ loại vải, nhưng lụa chắc chắn là tiêu chuẩn nhất. Để phù hợp theo mùa thì có vải len challis dành cho trời mát và vải cotton madras với khí hậu nóng. Quan trọng hơn, không như đồ thắt sắn, nơ cần có size, nghĩa là dải vải đeo của nơ phải có thể điều chỉnh được cho vừa với kích cỡ cổ.
Hãy nhìn bên trong phần dây nơ, sẽ có một chỗ khớp để cài móc chữ T. Thật là một thiết kế khéo léo. Kể cả nơ rẻ tiền cũng nên có phần khóa điều chỉnh kích cỡ.
Cùng với đó, tôi xin trích quy luật quan trọng nhất khi thắt nơ từ cuốn sách của Balzac, The Art of Tying the Cravat: “Dù là món đồ trên cổ có theo phong cách nào, một khi đã thắt nút (dù xấu hay đẹp) thì không nên thay đổi gì trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Nói cách khác, cứ điều chỉnh xong rồi mặc kệ nó.